Hôm nay :

Hotline: 0904665349 - 01253989686

Liên hệ mua template này















































tranh gốm cổ truyền tứ linh tứ quý

chu Đậu, đồ gốm cổ truyền Việt Nam

Chu Đậu, đồ gốm cổ truyền Việt Nam
m-4_vitrine_bleu___blanc_l_
Sau nền mỹ thuật đồ gốm rực rỡ thời Lý Trần, từ cuối thế kỷ 14 ở Việt Nam ta thấy phát triển loại men, loại hoa văn vô cùng độc đáo, rất cao cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Đó là thời kỳ tột đỉnh của đồ gốm Việt Nam, loại đồ gốm mà ngày nay được biết dưới tên “Đồ Gốm Chu Đậu”.
Đồ gốm Chu Đậu chìm sâu trong lòng đất, dưới đáy biển suốt mấy trăm năm. Những món còn được lưu giữ ở các viện bảo tàng bên Châu Âu thì đã từng bị xếp lộn vào đồ gốm Trung Hoa.
Gốm Chu Đậu chỉ được biết đến và tìm hiểu từ khi ông Makato Anabuki (thuộc tòa đại sứ Nhật Bản ở Hà Nội) nhìn thấy ở viện bảo tàng Topkapi Saray (Istanbul, Turkey) một bình cao cổ men trắng xanh, hoa văn cánh sen và hoa mẫu đơn, với câu “Thái Hoà bát niên. Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị hý bút” – nghĩa là: Ở phủ Nam Sách, năm Thái Hòa thứ tám, bà họa sĩ họ Bùi vẽ chơi. Địa danh Nam Sách Châu cho ta biết nơi chế tạo (châu Nam Sách tỉnh Hải Dương), và chữ Thái Hòa bát niên cho ta biết năm chế tạo (1450 năm Thái Hòa thứ tám, đời vua Lê Nhân Tông).
Từ đây những nhà khảo cổ mới hướng về phủ Nam Sách, rồi năm 1983 ở làng Chu Đậu, dưới vườn nhà một nông dân là ông Vang, người ta đào được các di tích lò gốm. Rồi việc tìm kiếm, khai quật bắt đầu, và tìm thấy cả một nền đồ gốm rực rỡ, thịnh vượng kéo dài 3, 4 thế kỷ. Những khai quật này đưa đến trung tâm của nền nghệ thuật này: Phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Ở đây ngoài làng Chu Đậu còn có các lò gốm khác ở làng Vạn Yên, làng Gốm, làng Ngói, làng Phú Điền, làng Phúc Lão, làng Cậy…. Đồ gốm Chu Đậu được phát hiện nhiều trong các ngôi mộ cổ, đình chùa, từ đường và nhiều nhất là dưới các tầu buôn chìm ngoài khơi Hội An, Đà Nẵng…
Từ đây người ta ít gọi các món đồ này là đồ gốm Chu Đậu.
Gọi là đồ gốm Chu Đậu, bởi vì đây là nơi di tích các lò gốm cổ sản xuất loại đồ gốm này được khám phá ra trước nhất. Những khai quật trong năm 1986, 1987, 1989, 1991, 1992 và 1993, cho thấy đồ gốm Chu Đậu được sản xuất ở rất nhiều nơi gần bờ sông trong tỉnh Hải Dương mà tập trung nhiều nhất ở phủ Nam Sách.
Đồ gốm Chu Đậu hình dáng thanh tao, nước men trong mà mỏng, hoa văn đầy hình ảnh đời sống thôn làng Việt Nam. Đồ gốm Chu Đậu bắt đầu được sản xuất từ cuối thế kỷ 14, rực rỡ nhất vào thế kỷ 15, 16 rồi tàn lụi vào đầu thế kỷ 17, trong khi các lò gốm khác ở Hải Dương còn sản xuất những món đồ không men (nồi đất, chum, vại…) cho đến thế kỷ 18, hay cho mãi đến bây giờ như làng Cậy, làng Lâm Xuyên (chuyên làm nồi đất không men).
Làng Chu Đậu từ lâu nổi tiếng về nghề dệt chiếu, họ không biết làm đồ gốm nữa và cũng không ngờ rằng ông cha họ đã từng làm những món đồ gốm tinh xảo, tuyệt mỹ. Các lò gốm ngày xưa nay đã nằm sâu dưới ruộng nương, vườn tược. Một địa danh trong làng là “Đống Lò” nhưng chính dân làng vẫn không biết là lò gì.
Bao quanh bởi nhiều con sông lớn, người dân làng Chu Đậu có những phương tiện giao thông tiện lợi. Họ có thể chuyển đồ lên Thăng Long, ra Phố Hiến, Vân Đồn để bán trong nước, để xuất cảng ra nước ngoài. Họ có thể chuyên chở đất sét mịn mua từ Hố Lao (Đông Triều, Quảng Yên) chỉ cách đó 30km một cách nhanh chóng, dễ dàng. Thành công về thương mãi, họ có cơ hội, có phương tiện, có động cơ phát huy nghệ thuật và kỹ thuật rất cao. Những dòng họ tài danh nhất về đồ gốm ở làng Chu Đậu là họ Đặng, họ Vương. họ Bùi, họ Đỗ. Với những kỳ tài như Vợ chồng Đặng Huyền Thông – Nguyễn Thị Đỉnh, Đặng Hữu, Đặng Tính Không…
Đồ gốm Chu Đậu cũng có nhiều thứ như men ngọc (celadon), men nâu, men trắng, men lục. Tuy nhiên tiêu biểu nhất là men trắng trong với hoa văn mầu xanh (men trắng chàm) và men trắng trong với hoa văn ba mầu vàng, đỏ nâu và xanh lục (men tam thái)
Men ngọc, men trắng, men nâu và men nâu đen thường bị lẫn với đồ gốm đời Lý Trần, tuy nhiên, hoa văn trên men Lý nhiều ảnh hưởng Phật Giáo, hoa văn Chu Đậu phản ảnh đời sống nông thôn Việt Nam, hoa văn trên men Lý thường được vẽ bằng cách khắc chìm hay khắc nổi, hoa văn Chu Đậu được vẽ bằng men mầu. Men ngọc thời Chu Đậu cầm thấy nặng tay, chất đất thô hơn và tiếng gõ không thanh như men ngọc của người Tầu. Bình ấm thời Lý thường có vòi hình đầu rồng, hình vòi voi, hình đầu chim… Các bát đĩa đời Lý thường còn xót lại dấu con kê rõ ràng, đồ gốm Chu Đậu khéo hơn dấu con kê không còn nữa. Đáy các chén đĩa thời Lý thường để trơ đất mộc, đáy của đồ gốm Chu Đậu thường được quét một lớp son nâu, mầu đậm, thường khi vẫn còn nguyên dấu bút. Lớp son nâu này không phải là men, mà chỉ là một lớp son pha bằng mầu nâu rất mỏng để bảo vệ đáy chén đĩa.
Men trắng Chàm và men tam thái nổi danh và được ưa chuộng hơn cả. Men trắng chàm chiếm số lượng cao nhất. Các món đồ vớt được ở ngoài khơi Đà Nẵng – Hội An cũng đều là men trắng chàm. Do đó, khi nói về đồ gốm Chu Đậu, người ta chỉ thường biết về loại này mà ít để ý đến các loại men khác. Đồ gốm Chu Đậu men trắng chàm thường thấy bây giờ là những món Chu Đậu chúng tôi coi là thuộc hạng kém hơn về phẩm chất. Những món có phẩm chất cao, tuyệt đẹp đã nằm trong tay các nhà sưu tập chuyên nghiệp ở Au Châu, ở Úc Châu, ở Singapore, ở Hong Kong, ở các viện bảo tàng Au Châu và Ả Rập… Từ đầu thập niên 1980 cho đến cuối thập niên 1990, những nhà sưu tập này đã vào Việt Nam vào mua hết tất cả, với những giá rất rẻ. Loại đồ gốm Chu Đậu hạng nhất này nhiều món đẹp tuyệt vời, bứt xa đồ nhà Minh, và đẹp không kém gì đồ gốm men lam của nhà Thanh bên Tầu.
Tuyệt vời nhất là hoa văn trên men trắng chàm và men tam thái. Hình ảnh thuần túy Việt Nam. Họ vẽ tàu lá chuối, nhánh rong, chim sẻ, chim chích chòe, con tôm, con cá bống, con cóc, con rùa, cọng rau muống, bông hoa cúc, hoa sen. Cũng như các bình ấm Việt Nam đời trước, thảng hoặc lắm ta mới thấy một vài bình, ấm thời Chu Đậu có quai cầm, còn ngoài ra, nơi quai cầm chỉ là một vật trang trí như con rùa, con cá, bông sen… theo đúng truyền thống đồ gốm Việt Nam từ các thời trước.
Về thứ loại, về hình dạng thì đồ gốm Chu Đậu thật phong phú: Bát chân cao, Bát chân thấp, Tô, Đĩa, Chén, Tước, Bình, Ấm, Au, Chậu, Lu, Hũ, Chậu, Bát Hương, Bát Trầm, Chân Đèn, Hộp, Lọ, Bình Vôi, nghiên mực thì lại cũng dùng hình ảnh nông thôn như nghiên mực hình con trâu, con cua, rồi lại còn đồ chơi của trẻ em như các hình tượng con gà, con cóc, con lợn, người cưỡi ngựa… thôi thì đủ cả, từ các món đồ dùng trong nhà người dân, trong đình chùa, trong nhà giới trưởng giả, cho đến đồ xuất cảng… Nhưng xem đồ gốm Chu Đậu mà bỏ qua bình tỳ bà thì thật là uổng. Món này xa lạ với sinh hoạt dân gian Việt Nam. Ngoài các cuộc khai quật ở các lò gốm cũ ở làng Chu Đậu, loại bình này thường được tìm thấy từ các tầu buôn đắm ngoài khơi Hội An – Đà Nẵng. Phải chăng nó chỉ được làm để xuất cảng sang Ả Rập? Người Ả Rập dùng làm gì?
Như tên gọi bình tỳ bà có hình dáng giống cây đàn tỳ bà để dựng đứng. Mình thuôn tròn, cổ nhỏ, miệng loe, thân tròn phình to. Thường có bốn tầng hoa văn, trong lòng miệng bình cũng có h ình vẽ hoa lá. Tầng thứ nhất ở chung quanh cổ bình hoặc vẽ những tầu lá chuối hay hình cây lúa, tầng thứ hai thì khi hình hoa cúc, hoa mẫu đơn, khi thì những chuỗi hình xoắn ốc đứng, tầng thứ ba lớn nhất là hình chim chích choè, chim sẻ hay là những ô vẽ đợt sóng biển bên cạnh những ô vẽ hình hoa lá, tầng dưới cùng là các ô với những vòng tròn hình bầu dục chồng lên nhau.
Tước (hay bôi), tức là ly uống rượu chân cao, thì ngoài những tước men ngọc, mầu xanh trong, còn có những sáng kiến kỳ diệu như tước thần kim quy. Ẩn trong chân tước này là một quả nổi để lộ hình rùa thần kim quy ngồi dưới đáy, khi rượu được rót vào, thì hình thần kim quy từ từ nổi lên theo mực rượu trong lòng tước.
Đĩa Chu Đậu rất đẹp, men trắng trong với hoa văn mầu chàm. Có những đĩa tam thái rất lớn (đường kính đến khoả ng 50cm), nhưng thường thường thì vào khoảng hơn 25cm đường kính. Vành đĩa là một vành rộng 5cm vẽ cành rau, nhánh lá, tâm đĩa vẽ nhiều hình rất đẹp: Hình con công, con vạc, con nghê, cá chép vượt vũ môn, hươu chạy trên đồng cỏ, bên khóm trúc, bờ lúa, đôi chích chòe, đàn vịt bơi trên hồ sen, trận thủy chiến, cành mai, đóa cúc, đóa mẫu đơn… đường kính độ 15cm. Vành ngoài thành đĩa cũng vẽ những hình hoa lá rất chi tiết. Hoa văn mầu xanh chàm, đĩa lớn thì thường là men ba mầu (Tam Thái).
Bát Chu Đậu cũng thường là men trắng chàm, đường kính ở miệng bát từ 14 đến 16cm, cao từ 8 đến 10cm. Nhiều loại hoa văn khác nhau. Khi thì chim sẻ đậu trên cành mai, khi thì đóa cúc, đóa mẫu đơn, khi thì lại là khóm phong lan… trong lòng bát.
Một món đồ kỳ thú, có hình dáng nửa đĩa nửa bát. Đường kính miệng độ 11cm, đường kính đáy độ 7cm, cái thấp thì cao gần 4cm, cái cao vào khoảng hơn 6cm. Những món này không thấy có trong đồ gốm đời Lý Trần, mà cũng không thấy trong đời sống người Việt. Tới chừng thấy người Ả Rập bây giờ dùng một thứ tương tự để uống trà, ta mới hay đây là đồ dùng để chỉ xuất cảng sang vùng đó.
Cũng làm để xuất cảng sang Ả Rập là các hộp phấn và lọ nước hoa. Hộp phấn tròn, lọ nhỏ Vành miệng thường là hoa sen, thân lọ thì là cành hoa, nhành lá rất mỹ thuật. Thảng hoặc ta lạI thấy một loại đĩa nhỏ độ 4, 5cm, có chân, trong lòng không tráng men, nhưng lại có hoa văn rất dầy chạm bằng mũi nhọn làm cho lòng đĩa nhám. Loại này hay bị tưởng lầm là một thứ đế kê các chén nhỏ, nhưng thật ra, đây là đĩa của phụ nữ thời xưa dùng để dồi phấn bôi mặt.
Ngoài ra còn có rất nhiều hồ rượu hoa văn trắng chàm và hoa văn tam thái. Lại có các hồ rượu hình chim vẹt hình con gà, các chén uống trà có quai cầm là chim vẹt. Lư hương và chân đèn thời Chu Đậu lớn và đẹp vô cùng. Có những chân đèn cao 70, 80cm, lư hương cao 35, 40cm. Một số lớn có ký tên người làm và đề rõ năm tháng, như vợ chồng Đặng Huyền Thông – Nguyễn Thị Đỉnh, vợ chồng Đỗ Xuân Vi, Lê Thị Ngọc, vợ chồng Bùi Duệ, Lê Thị Cận, Đặng Hữu, Đặng Tính Không, Bà họ Đỗ ở Phủ Quốc Oai, Bà họ Bùi ở Phủ Nam Sách… Chân đèn gồm hai phần chồng lên nhau, chỗ cắm nến rất lớn, đắp nổi hình rồng bốn móng. chứng tỏ đây là đồ dùng trong chùa. Năm tháng đề trên các món này tỏ rõ một giai đoạn lịch sử. Hải Dương là quê hương giòng họ Mạc. Những món đã làm khi nhà Mạc chưa lên (1527) thì đề niên hiệu vua Lê. Khi nước ta chia hai thành Bắc Triều (nhà Mạc) và Nam Triều (nhà Lê) thì các niên hiệu trên những món đồ gốm này là niên h ệu của nhà Mạc Mậu Hợp (Diên Thành, Đoan Thái, Hưng Trị) chứ không phải là niên hiệu nhà Lê nữa. Chân đèn cũng vẫn là men trắng hoa văn mầu chàm, thường gồm năm tần, dưói cùng là vành hoa sen, có khi đắp nổi hình những bông cúc, rồi đến thân của chân đèn là hai tầng lớn, tầng dưới là những hoa cúc, tầng trên là hình rồng uốn quanh, đắp nổi bằng đất mộc. Đây vẫn là con rồng Việt Nam: mình nhỏ dài, uyển chuyển, vẩy láng, râu dài, mặt hiền chứ không phải con rồng Tầu của đời Nguyễn sau này (mà buồn thay ta vẫn thấy người Việt bây giờ vẽ). Lư hương rất đẹp, nhiều cái hình tròn, nhưng nhiều cái lại hình chữ nhật, rất nhiều hoa văn rất nhiều hình chạm, hình đắp nổi hoa sen, hoa cúc và những biểu tượng Phật Giáo.
Đồ gốm Chu Đậu, những món tuyệt phẩm, những hoa văn dân tộc, những nước men trong mịn, những hình dạng thanh tú. Khởi đi xuốt những ngàn năm lịch sử phát triển dân tộc, qủa tình đến đây đồ gốm Việt Nam trở nên những món hàng được ưa chuộng từ trong nước đến ngoài thị trường quốc tế. Nào xuất cảng sang Nhật Bản, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan cho đ ến những nước Ả Rập xa xôi. Lại cũng được ưa chuộng, lưu giữ trong các nhà qúy tộc Au Châu (Năm 1590, Duke of Florence đã tặng cho Prince-Elector of Saxony một bình Chu Đậu tuyệt đẹp. Bình này hiện nay được chưng trong viện bảo tàng Johannaun ở Thụy Điển). Người Nhật rất hãnh diện về Trà Đạo của họ, nhưng mấy người Việt biết rằng Trà Đạo chỉ mới xuất hiện ở Nhật Bản từ thế kỷ 16. Và các ấm, bát uống trà của Trà Đạo Nhật chính là những món đồ gốm Chu Đậu

Sản phẩm mới
THẦN TÀI QUAN CÔNG
đồ thờ cúng
VẬT PHẨM KHÁC
BACK TO TOP