Hôm nay :

Hotline: 0904665349 - 01253989686

Liên hệ mua template này

Gốm Phù Lãng hiện nay

Gốm Phù Lãng hiện nay (2009)
Nằm bên bờ sông Cầu, cách Hà Nội khoảng 50 km và thành phố Bắc Ninh 20km, làng Phù Lãng ngày nay thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một làng nghề nổi tiếng trong và ngoài nước với nghề làm gốm truyền thống.
Cùng với làng Bát Tràng của Hà Nội và làng Thổ Hà của Bắc Giang, làng Phù Lãng được coi là một trong ba trung tâm gốm cổ của người Việt. Một số phát hiện khảo cổ cho thấy gốm Phù Lãng đã xuất hiện vào đời Trần, thế kỷ 13. Hiện nay, gốm cổ của Phù Lãng vẫn hiện diện trong nhiều di tích lịch sử ở châu thổ sông Hồng như các đình, đền, chùa…
Gốm Phù Lãng độc đáo ở chất men màu da lươn, thô mộc, khỏe khoắn, bền bỉ và chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất. Sau những thăng trầm của lịch sử, tưởng chừng đã có lúc tàn lụi, nghề gốm ở Phù Lãng vẫn được duy trì và những năm gần đây có dấu hiệu phát triển lạc quan. Để phù hợp với nhu cầu thị trường, sản phẩm gốm Phù Lãng ngày nay đã có thêm nhiều sự cách tân, nhưng vẫn dựa trên cái xưa hồn mộc mạc của mình.
Sau đây là những hình ảnh Đất Việt ghi nhận ở làng gốm Phù Lãng.
Quang cảnh ấn tượng đập vào mắt du khách tới Phù Lãng là những đống củi được chất cao, có khi đến 3 – 4m ở hai bên đường làng. Đây là chất đốt cho những lò nung gốm Phù lãng nổi tiếng. Nhìn vào lượng củi sử dụng có thể thấy sức sống của làng nghề.
Làng có hàng chục xưởng gốm. Mỗi xưởng gốm thường có trên dưới 10 nhân công, đảm nhiệm những công đoạn khác nhau.
Loại đất sét dùng để làm gốm Phù Lãng được khai thác ở huyện Yên Lập – Bắc Giang. Đất thô sẽ được cho vào máy tán thành những mẩu nhỏ trước khi đem gia công.
Trước khi tạo hình, đất sét sẽ được nhào nặn thành những hình khối tròn. Công đoạn này được gọi là se đất.
Những khối đất này sau đó sẽ được đưa lên bàn xoay để vuốt thành hình. Những bàn xoay được xoay bằng lực chân của người se đất ngồi phía trên.
Khi đã có hình dáng hoàn chỉnh, sản phẩm được khắc chìm các hình vẽ và trang trí họa tiết nổi.
Sau đó, sản phẩm sẽ được phơi khô, tráng men và tô màu.
Cuối cùng, sản phẩm sẽ được nung 15 ngày trong lò nung đốt bằng củi. Khi nung gốm được sắp xếp cẩn thận nhằm tận dụng tối đa diện tích trong lò.
Sản phẩm gốm của Phù Lãng rất phong phú, gồm các vật dụng truyền thống như bình, vại, đôn, tiểu… cho đến các sản phẩm mới như tượng gốm và tranh gốm.
Những bức tượng gốm của nghệ nhân Đức Thịnh.
Chị Nguyễn Thị Hoa đang ghép các mảnh ghép để tạo hình một bức tranh gốm. Chị cho biết tranh gốm là một loại hình sản phẩm chỉ mới được phát triển từ 10 năm trở lại đây.
Một bức tranh gốm hoàn chỉnh.
Không chỉ hiện diện ở đồ mỹ nghệ, gốm còn hóa thân được vào nhiều đồ vật khác như đồng hồ treo tường…
… hay dàn loa đủ cả âm treble, bass. Điều này minh chứng cho sức sáng tạo dồi dào của các nghệ nhân Phù Lãng bắt kịp hơi thở thời đại.
Những bức tranh gốm nhỏ này đã xuất hiện ở nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm Hà Nội.
Người làm gốm ở Phù Lãng cho biết, danh tiếng làng nghề vẫn chưa vươn xa nhưng thời gian tới sẽ có nhiều triển vọng. Ông Trần Văn Phận, cán bộ thư viện làng cho biết, đến cuối năm, một con đường và một khu chợ gốm sẽ được hoàn thành và nghề gốm Phù Lãng có thể bước sang trang mới.

BACK TO TOP